Những điều cần cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định mua nhà
Trước khi quyết định mua một ngôi nhà, bạn cần phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ lưỡng…
“An cư lạc nghiệp” là điều người bất cứ ai cũng mong muốn. Bởi vậy, trong cuộc đời, mỗi người đều có lúc phải cân nhắc nên mua hay không một căn nhà cho mình hoặc cho gia đình. Đó là chưa kể bạn có thể mua nhà với mục đích khác như: Để dành, cho con cái ngay bây giờ hay sau này, đầu tư cho thuê…
Xã hội ngày càng phát triển, lối sống đô thị hiện đại và những công việc mới… khiến cho việc mua nhà đôi khi trở thành gánh nặng tài chính cho người mua. Đã có không ít phân tích về đầu tư tài chính cá nhân cho thấy đầu tư tiền của vào một ngôi nhà không phải là một quyết định khôn ngoan, bởi tính thanh khoản kém và khả năng sinh lời không cao.
Hơn nữa, mua một căn nhà, bạn sẽ đụng chạm đến rất nhiều vấn đề, từ giấy tờ, thủ tục, vay vốn, yếu tố pháp lý,… mà nếu không khéo và cân nhắc kỹ, bạn có thể phải sa vào một cuộc chiến pháp lý với ngân hàng, chủ đầu tư. Chính vì tất cả những yếu tố này nên trước khi quyết định mua một ngôi nhà, bạn cần phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ lưỡng…
Không cần phải ở ngôi nhà mà mình đã mua
Vấn đề này nghe có vẻ vô lý, tuy nhiên trong xã hội hiện đại thì đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bạn hoàn toàn có thể mua để ở hoặc có thể mua rồi cho thuê và tìm thuê cho mình một ngôi nhà khác để ở.
Tất nhiên, chắc chắn sẽ có người nói với bạn rằng trả tiền thuê nhà là ném tiền qua cửa sổ, song điều này không chính xác nếu bạn là người có công việc cần di chuyển nhiều. Khi ấy, việc sở hữu một ngôi nhà chỉ để ở không hẳn đã là một phương án tối ưu so với việc thuê một ngôi nhà.
Sử dụng bộ óc chứ không phải trái tim
Đừng ngại lập một danh sách các mục cần kiểm tra trước khi quyết định mua. Tốt nhất, nên đặt cảm xúc sang một bên khi đánh giá một ngôi nhà. Thực tế, đây là điều không hề dễ dàng, bởi con người luôn có phần cảm tính, vì thế việc đánh giá một ngôi nhà luôn bao gồm sự yêu thích của bạn trong đó.
Việc bạn cần làm là tạo cho mình một danh sách những điều cần cho ngôi nhà của mình, chẳng hạn như vị trí địa lý, đặc điểm khu dân cư, tiện ích, chỗ để xe, … Sau đó, in danh sách này ra. Mỗi khi xem xét một ngôi nhà hay căn hộ, hãy lấy danh sách này ra để kiểm tra. Như vậy sẽ giúp bạn không bị sai sót hay thiếu một điều kiện cần nào đó mà mình đã đặt ra. Việc mở danh sách ra kiểm tra ít nhất sẽ khiến bạn dừng cảm xúc lại và suy nghĩ nếu quả thật lúc ấy bạn đang bị cảm xúc chi phối.
Trước khi quyết định mua một ngôi nhà, bạn cần phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ lưỡng…
Đảm bảo túi tiền sau khi mua nhà
Cho dù bạn là một người thành đạt với túi tiền rủng rỉnh thì cẩn thận vẫn là một đức tính không bao giờ thừa. Bên cạnh khoản tiền dành để mua nhà, đừng quên tính chi phí sinh hoạt, những chuyến du lịch dài ngày, hay kế hoạch mua xe hơi mới,… Đó đều là những chi phí đáng kể.
Hãy chắc chắn rằng ngân sách của bạn đã dự trù tất cả những điều này, để bạn có được ngôi nhà mong muốn mà cuộc sống vẫn không hề bị ảnh hưởng.
Đừng để bản thân cảm thấy bị áp lực từ nhân viên môi giới
Nhân viên môi giới là những người làm việc trực tiếp với bạn, họ giúp bạn có được những thông tin chính xác về căn hộ, tuy nhiên đôi khi họ mang lại cho bạn một áp lực vô hình. Hiểu một cách đơn giản là những “tiểu xảo” bán hàng để khách hàng đưa ra quyết định nhanh chóng nhưng thiếu đi sự chính xác, chẳng hạn như căn hộ của dự án này đang “cháy hàng”, hay căn hộ bạn đang xem là cơ hội duy nhất, là lựa chọn tốt nhất… Trước những lời có cánh này, bạn cần làm gì để “giữ cái đầu lạnh”? Lời khuyên của chuyên gia là hãy tìm hiểu kỹ về thông tin liên quan đến căn hộ, bao gồm cả những căn hộ lân cận. Càng có nhiều thông tin thì bạn sẽ càng dễ thoát khỏi những cái “bẫy” bán hàng.
Tìm kiếm ngôi nhà mơ ước mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ
Nếu bạn thuộc dạng “khó tính” trong việc chọn nhà hay bạn mua nhà trong lúc thị trường khan hiếm, thì thời gian tìm kiếm là điều mà bạn phải đánh đổi. Nhưng cho dù có dễ tính cỡ nào, sau khi chọn được ngôi nhà thỏa mãn đủ những điều kiện của mình, bạn vẫn nên bỏ thêm thời gian để thực hiện những việc sau trước khi đưa ra quyết định đặt cọc.
Thứ nhất, điều tra khu vực xung quanh căn nhà bạn dự định mua để có được những nhận định tốt hơn. Tìm kiếm thông tin về khu phố mà bạn sắp trở thành cư dân. Nếu đang sống trong cộng đồng ấy, có thể bỏ qua bước này. Hãy tìm kiếm thông tin trên các trang web địa phương, các trang web cộng đồng để tìm hiểu những gì đã và đang xảy ra.
Thông tin không bao giờ thừa, nếu bạn chưa có con thì việc mua ngôi nhà ở khu vực có trường học quốc tế cũng là một trong những cách để đảm bảo ngôi nhà của bạn duy trì giá trị của nó. Còn nếu bạn đang mua ngôi nhà ở một khu phố đầy đủ tiện nghi thì điều ấy thật tuyệt.
Thứ hai, hãy ghé thăm ngôi nhà của bạn hoặc căn hộ của dự án bạn định mua vào những thời điểm khác nhau trong ngày, trong tuần, trong tháng. Nếu bạn muốn biết cuộc sống khu bạn sắp mua đang diễn ra như thế nào, thì hãy đến đấy vào một ngày trong tuần, một tối trong tuần và cuối tuần để xem cuộc sống như vậy có thích hợp với bạn không. Bởi lẽ, nếu chỉ ghé thăm căn nhà vào cuối tuần, rất khó để nhận định chính xác về tình hình giao thông trong giờ cao điểm.
Hãy chắc chắn rằng mình đã đọc kỹ hợp đồng trước khi ký tên
Một ngôi nhà có giá trị không hề nhỏ, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn hiểu tất cả các điều khoản ghi trong hợp đồng. Nếu không hiểu bất kỳ điều khoản nào, đừng ngần ngại hỏi lại nhà môi giới hay luật sư để họ sẽ giải thích cho bạn. Trong trường hợp họ không thể giải thích các điều khoản một cách rõ ràng hoặc có những điều khoản bất lợi mà bạn không thể chấp nhận được dù hai bên đã trao đổi, thì hãy nói “Không” với việc mua nhà, vì quyền lợi của bạn khi mua ngôi nhà ấy đã bị xâm phạm.
Tóm lại, dù là ở thời đại nào và xã hội nào thì mua nhà cũng là một quyết định quan trọng trong cuộc đời. Do đó, hãy là khách hàng thông minh để có một ngôi nhà mơ ước cho bản thân chứ không phải bước vào một cơn ác mộng tốn kém và sai lầm.
Leave a Reply